Nguồn thức ăn hàng ngày có chứa rất nhiều vi khuẩn, trong đó có thể có những vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm nặng như Salmonella hay E.coli. Nếu thức ăn không được nấu chín hoặc hoa quả, rau xanh không được rửa sạch thì các loại vi khuẩn còn sót lại có thể gây bệnh đối với đường ruột của chúng ta.
Vì vậy, hãy cùng Benh.vn tìm hiểu những mẹo giúp phòng tránh ngộ độc thực phẩm
1. Rửa sạch tay và bề mặt tất cả dụng cụ làm bếp cũng như thực phẩm, rau xanh
Trước khi bốc hoặc chạm vào thức ăn hãy rửa tay bằng nước và xà phòng thật sạch. Luôn làm sạch thớt, các loại dao dĩa, đũa thìa, bề mặt bàn bếp, những nơi thường tiếp xúc với đồ ăn sống. Nên dùng thớt và dao riêng cho thịt chín và đồ sống.
Luôn rửa sạch rau quả. Rửa các loại rau quả dưới vòi nước chảy và cọ nhẹ bề mặt bằng một miếng bông hoặc bàn chải mềm. Kể cả hoa quả bóc vỏ cũng cần được rửa vì khi bóc, ngón tay có thể dính vi khuẩn và truyền sang phần thịt quả.
2. Đi chợ buổi sáng
Nên đi chợ vào buổi sáng vì sẽ dễ chọn mua thực phẩm tươi, sạch, không có màu sắc và mùi vị lạ hay biểu hiện ôi thiu.
3. Không để lẫn đồ sống và đồ chín
Khi đi chợ, nên tách riêng các loại thịt, thực phẩm từ gia cầm không cho lẫn với rau quả. Bọc kín từng loại trong túi nilon để nước chảy ra không dính vào thực phẩm khác.
Nếu thực phẩm chưa chế biến ngay cần để vào tủ lạnh bảo quản. Thịt, cá, tôm… khi mua về nên rửa sạch, cho vào túi bóng hay hộp nhựa riêng rồi cất vào tủ lạnh. Những thực phẩm này nên để ở dưới cùng vì nếu có dịch chảy ra sẽ không làm ướt các thực phẩm khác. Rau quả cần để vào ngăn mát. Thức ăn chín không đựng vào dụng cụ vừa đựng thực phẩm sống, nhất là thịt, cá…
4. Đun lại thức ăn trước khi cất vào tủ lạnh
Hãy đun sôi diệt khuẩn và để nguội trước cất vào tủ lạnh bởi thực phẩm để ở môi trường ngoài trời quá 4 tiếng rất dễ biến chất. Khi ăn nên hâm nóng ở nhiệt độ 70-100 độ C. Nên bảo quản thực phẩm ở điều kiện che đậy, nhiệt độ dưới 4 độ C.
5. Ăn ngay khi nấu xong
Nên ăn ngay khi thức ăn vừa được nấu chín xong bởi thức ăn chín để lâu ngoài không khí có nguy cơ nhiễm khuẩn lại từ môi trường.
6. Rửa rau rồi mới thái nhỏ
Trước khi nấu, rau xanh cần rửa sạch rồi mới thái nhỏ. Nhiều người thường thái nhỏ rau hoặc vò nát rau khi rửa. Việc này không những không làm sạch rau mà còn làm mất các chất dinh dưỡng.
7. Ngâm rau sống trong nước vo gạo
Để tránh và hạn chế thuốc trừ sâu và hóa chất bảo quản thực phẩm, tốt nhất rau sống trước khi ăn cần phải ngâm vào nước gạo trong 30 phút. Sau đó rửa sạch dưới vòi nước nhiều lần. Việc ngâm nước muối không có tác dụng làm sạch rau mà chỉ làm cho rau bị đen và nát.
Ngay cả hoa quả cũng không nên ngâm nước muối mà nên ngâm trong nước sạch để pha loãng nồng độ hóa chất. Ngâm trước khi ăn khoảng 30 phút.
8. Ăn uống an toàn bên ngoài
Khi ra ngoài ăn tiệm, dù là quán cơm bình dân hay nhà hàng sang trọng, bạn vẫn có nguy cơ bị ngộ độc.
Lưu ý khi gọi thức ăn: với cà chua, được nấu ở nhiệt độ 62 độ C là an toàn và thịt là 66 độ C. Khi gọi món thịt bò hãy lưu ý nhà hàng ít nhất phải làm nó chín tới hoặc chỉ hơi tái, tốt nhất không nên ăn tái.
9. Bày bàn ăn đúng cách
Hãy loại bỏ thức ăn dư thừa (đã tiếp xúc với nhiệt độ phòng > 2 giờ đồng hồ hoặc để ngoài thời tiết nóng > 1 giờ).
Nếu có nhu cầu bày biện thức ăn nguội ra sớm hơn 2 giờ, hãy sử dụng khay đá đặt phía dưới để thức ăn được bảo quản lạnh và nên thay thường xuyên khi đá tan. Khi dùng khay đá, bạn nên đựng thức ăn vào đồ đựng nông để tất cả các phần được bảo quản đều.
Nếu muốn bày thức ăn nóng trong hơn 2 tiếng, nên sử dụng khay giữ nóng thức ăn, lò hâm.
10. Nấu chín thức ăn ở nhiệt độ phù hợp
Các loại thực phẩm cần được nấu chín trước khi ăn để loại trừ nguy cơ ngộ độc. Có thể sử dụng nhiệt kế để kiểm tra xem thực phẩm đã được nấu chín ở nhiệt độ an toàn hay chưa.
Thức ăn an toàn là khi được nấu chín ở nhiệt độ 60-100 độ C.