Khi bạn gặp phải tình trạng thoái hóa khớp, có thể nghĩ rằng việc đi bộ có thể làm trầm trọng thêm tình trạng của mình. Bệnh nhân thoái hoá khớp gối thường có xu hướng ngại vận động do cảm giác đau, cứng khớp khó chịu ở mỗi cử động. Thực tế, các bác sĩ lại khuyến khích người bệnh nên cố gắng hoạt động thể chất, vì điều này có thể hỗ trợ làm chậm quá trình thoái hóa, đồng thời cải thiện tính linh hoạt của khớp gối.. Cùng tìm hiểu về vấn đề người bị thoái hoá khớp gối có nên đi bộ không?

1. Thoái hoá khớp gối có nên đi bộ?
Bất chấp những gì bạn có thể đã đọc hoặc đã nghe, không có bằng chứng thuyết phục nào cho thấy việc đi bộ gây ra viêm xương khớp (dạng viêm khớp phổ biến nhất, thường ở hông và đầu gối cũng như bàn tay), hoặc bạn hoàn toàn không nên đi bộ nếu bạn bị thoái hoá khớp. Vì không có cách chữa khỏi, các bác sĩ thường tìm cách điều trị viêm xương khớp bằng sự kết hợp của các liệu pháp bao gồm tăng cường hoạt động thể chất. Thoái hóa khớp gối không phải ngăn bạn đi bộ — khi được thực hiện cẩn thận, nó thực sự có thể giảm đau do viêm khớp.
Nhiều người lầm tưởng rằng đi bộ gây thoái hoá khớp gối – tuy nhiên điều này không đúng. Các nhà nghiên cứu đã so sánh tác dụng lâu dài của việc đi bộ và các hình thức tập thể dục khác đã phát hiện ra rằng đi bộ làm giảm đáng kể nguy cơ thay khớp gối và hông, trong khi các hình thức tập thể dục khác làm tăng nguy cơ này. Một nghiên cứu dài hạn khác về những người đi bộ so với những người không đi bộ cho thấy những người đi bộ không có tỷ lệ mắc bệnh thoái hóa khớp gối cao hơn những người không đi bộ.
Trong khi các bác sĩ vẫn đang cố gắng tìm hiểu cách đi bộ có thể cải thiện trực tiếp bệnh viêm khớp gối, thì người ta cũng hiểu rằng đi bộ có thể giúp giảm cân, được biết là làm giảm đáng kể căng thẳng cho khớp và cải thiện các triệu chứng viêm khớp.
Nếu bạn bị thoái hóa khớp gối, đi bộ có thể là một cách lành mạnh để kiểm soát các triệu chứng, nhưng có một số lưu ý cần được thực hiện trước khi bạn bắt đầu.

2. Việc luyện tập đi bộ ở người thoái hoá khớp gối như thế nào?
Sau khi đã tìm được câu trả lời cho vấn đề bị thoái hóa khớp gối có nên đi bộ không, bệnh nhân cũng cần lưu ý đến cách đi bộ nhằm đạt được hiệu quả tối đa, đồng thời phòng ngừa rủi ro ảnh hưởng đến xương khớp trong quá trình luyện tập.
Đầu tiên, người bệnh cần kiểm tra với bác sĩ trước để chắc chắn họ có đủ sức khỏe để bắt đầu quá trình luyện tập này. Sau đó, bệnh nhân sẽ lần lượt làm theo các bước sau:
Chọn tuyến đường phù hợp, an toàn
Khi mới bắt đầu đi bộ, người bệnh nên chọn những tuyến đường bằng phẳng, không gồ ghề, thông thoáng và ít xe cộ qua lại như vỉa hè, công viên gần nhà… để tập luyện.
Lựa chọn thời gian tập luyện
Thời gian đi bộ tốt nhất trong ngày là sáng sớm và buổi tối. Vận động nhẹ nhàng vào buổi sáng không chỉ giúp khởi động xương khớp mà còn kích thích khả năng tập trung của bệnh nhân, đồng thời giúp thuyên giảm tần suất cũng như cường độ đau khớp gối trong ngày.
Bên cạnh đó, đi bộ nhẹ nhàng vào buổi tối sẽ đem lại một số hiệu quả như:
- Hỗ trợ điều hòa cơ thể
- Cải thiện giấc ngủ
- Phòng ngừa đau, cứng khớp vào sáng hôm sau
Xây dựng cường độ tập luyện từ thấp lên cao
Thông thường, người có khớp gối bị thoái hóa nên đi bộ khoảng 30 – 60 phút mỗi ngày. Tuy nhiên, không phải ai cũng đạt được mục tiêu này ngay từ đầu. Do đó, bệnh nhân có thể bắt đầu với 5 phút đi bộ mỗi ngày. Sau khi đã quen với việc tập luyện, người bệnh có thể cố gắng đi lâu hơn và xa hơn chút so với lộ trình ban đầu.
Cân nhắc mang giày và quần áo thoải mái
Người bệnh nên lựa chọn giày đi bộ thoải mái, linh hoạt, có thể hỗ trợ chân vận động. Một lời khuyên nhỏ từ bác sĩ là mua giày vào khoảng thời gian chiều tối sẽ giúp hạn chế nguy cơ giày bị chật do bàn chân có xu hướng “nở” ra vào cuối ngày. Bệnh nhân cũng nên mặc quần áo thoải mái, dễ vận động.
Chia sẻ về lịch trình tập luyện
Bệnh nhân nên báo với người nhà về thời gian và địa điểm, lộ trình đi bộ. Nếu được, hãy tập luyện cùng một người khác (vợ/chồng, con cái, hàng xóm, bạn bè…). Điều này không chỉ giúp duy trì động lực đi bộ mà còn làm cho buổi tập luyện bớt nhàm chán, đồng thời cải thiện mối quan hệ trong gia đình cũng như ngoài xã hội.